Thực tế, đây là tình trạng chung của kỳ thi vào lớp 10 ở các thành phố lớn. Để giảm căng thẳng cho thí sinh, nhiều biện pháp kết hợp đã được gia đình, các thầy giáo, cô giáo sử dụng triệt để. Thế nhưng, để giảm áp lực cho nhiều thí sinh, điều cần thiết là chuẩn bị tốt công tác tổ chức kỳ thi, trong đó chú trọng những biện pháp chống gian lận...

“Nóng” thi vào lớp 10 THPT công lập

Ngày 18-6, gần 107.000 thí sinh trên địa bàn Hà Nội bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2022-2023. So với năm 2021, kỳ thi năm nay có nhiều hơn 19 điểm thi, số thí sinh dự thi cũng nhiều hơn 14.000 em.

Các em phải cạnh tranh qua “cánh cửa hẹp” để nằm trong 69.200 chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT công lập. So với 6 kỳ tuyển sinh gần nhất, đây là năm có số lượng học sinh đăng ký dự thi lớp 10 đông nhất.

Giảm áp lực thi vào lớp 10 công lập
 Tặng quạt giấy cho thí sinh tại điểm thi Trường THPT Thăng Long (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội).

Tình trạng căng thẳng trong kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập diễn ra tương tự tại các thành phố lớn khác. Tại TP Hồ Chí Minh, năm học 2022-2023 có gần 93.000 thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh tại các trường THPT công lập trên địa bàn là 72.800 học sinh; nghĩa là hơn 20.000 học sinh sẽ không có cơ hội học lớp 10 công lập.

Toàn tỉnh Quảng Ninh có 9.544 chỉ tiêu trên tổng số 15.015 thí sinh đăng ký dự tuyển; như vậy, hơn 30% thí sinh dự thi tuyển sẽ không có cơ hội vào lớp 10 công lập năm học này.

Đáng nói, đây là lứa học sinh 3 năm liên tiếp ít có cơ hội học tập trực tiếp tại trường nên ít nhiều chất lượng học tập, thể lực, tâm lý học sinh bị ảnh hưởng. Nhiều học sinh, phụ huynh lo lắng trước mức độ cạnh tranh cao, đã dồn toàn lực cho việc ôn tập, luyện thi của con em.

Tại điểm thi Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (quận Đống Đa, Hà Nội), em Chu Phong Lan, học sinh Trường THCS Ngôi Sao Hà Nội (quận Thanh Xuân) cho biết: “Để chuẩn bị cho “cuộc chạy đua” vào lớp 10, bắt đầu từ lớp 9, mỗi ngày em đi ngủ từ 12 giờ đêm và thức dậy lúc 4 giờ 30 phút sáng”. Tuy học lực thuộc loại khá giỏi, nhưng Phong Lan vẫn lo lắng bởi các trường em chọn đều có tỷ lệ "chọi" cao.

Tại các điểm thi trên địa bàn TP Hà Nội ngày 18-6, sức nóng không chỉ ở trong phòng thi mà có thể cảm nhận ngay từ bên ngoài cổng trường. Theo hướng dẫn, phụ huynh đưa đón thí sinh không chờ con ở cổng trường để tránh gây ách tắc giao thông.

Tuy nhiên, dù thời tiết oi nóng nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn sốt ruột đứng đợi ngoài cổng trường. "Ứng trực" ngay cổng Trường THPT Thăng Long (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), chị Nguyễn Thúy Nhung cho biết sẽ chờ đến khi nghe tiếng trống phát đề mới yên tâm rời vị trí.

Chống gian lận, giảm áp lực

Dự báo trước sức nóng của kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập, các chuyên gia đã khuyên phụ huynh cần thay đổi cách nghĩ, nhìn nhận đúng năng lực của con mình để đặt ra các mục tiêu phù hợp, không quá căng thẳng, áp lực với con.

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho rằng, học sinh không nên quá áp lực khi thi vào lớp 10 vì thành phố luôn bảo đảm có đủ chỗ học cho các em. Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội cũng khẳng định, dù số lượng học sinh xét tốt nghiệp THCS năm nay tăng cao so với năm trước, nhưng các em hoàn toàn yên tâm, bởi chủ trương của thành phố là bảo đảm 100% học sinh tốt nghiệp có nhu cầu được tiếp tục đi học tại các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Việc học tiếp lớp 10 THPT công lập chỉ là một trong nhiều hướng lựa chọn cho học sinh sau THCS.

Giảm áp lực thi vào lớp 10 công lập

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Thăng Long (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội).

Tuy nhiên, với một kỳ thi có quy mô lớn, tính cạnh tranh cao, tâm lý lo lắng là điều không tránh khỏi. Gia đình, các thầy giáo, cô giáo đều cố gắng theo cách của mình nhằm giảm áp lực nhất cho các sĩ tử. Ở nhiều hội đồng coi thi, các thí sinh được thầy cô đến động viên, "sát cánh" trong các buổi thi.

Cô giáo Bùi Thị Hà Thu, giáo viên dạy Văn Trường THCS Trần Quốc Toản, TP Hạ Long chia sẻ: “Học trò đi thi nhưng giáo viên có khi còn lo lắng hơn cả các em. Sau mỗi buổi thi, tôi đều có mặt để hỏi han học sinh thi có tốt không, có bị mệt không và giải đáp cho các em những câu hỏi nâng cao”.

Ghi nhận tại nhiều điểm thi, hầu hết các sĩ tử đều được phụ huynh, người thân hỗ trợ đưa đón đến trường thi. Em Phạm Gia Long (Trường THCS Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được cả bố và mẹ đưa đến điểm thi để bảo đảm con đi thi suôn sẻ. Cũng lo lắng cho con nhưng chị Phạm Thị Vân (phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) có con trai là Vũ Huy Sơn, học sinh Trường THCS Khương Mai (quận Thanh Xuân) chia sẻ, để không gây áp lực cho con, chị luôn cố gắng tạo cho mình tâm lý thoải mái.

Điều chị quan tâm là kỳ thi phải được tổ chức công bằng để những học sinh có học lực thực sự sẽ không bị mất đi cơ hội bởi những bạn “được hỗ trợ” bằng trò gian lận. Vì thế, bên cạnh những cách giảm áp lực mang tính cá nhân, rất cần những biện pháp giảm áp lực cho nhiều thí sinh hơn.

Bà Nguyễn Diệu Trinh, Phó trưởng điểm phụ trách cơ sở vật chất tại điểm thi Trường THPT Thăng Long chia sẻ: "Việc chống gian lận thi cử là ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi bố trí hộp để đồ, có đánh số cho 20 phòng thi để bảo quản vật dụng, tư trang cá nhân... của thí sinh và mang ra gần cổng thường trực, cách phòng thi tối thiểu 25m theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Quy định mới này được đưa ra sau khi rút kinh nghiệm về trường hợp sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 bị cơ quan an ninh phát hiện. Chúng tôi cũng quán triệt các phòng thi yêu cầu thí sinh bỏ khẩu trang để nhận diện trước khi vào phòng thi...

Bên cạnh đó, để giảm áp lực cho thí sinh, chúng tôi nhắc nhở đội ngũ tình nguyện viên, an ninh, thường trực, các thầy giáo, cô giáo... đón tiếp nhẹ nhàng, động viên thí sinh đến thi tại điểm thi Trường THPT Thăng Long".

Bài và ảnh: MINH PHƯƠNG - qdnd.vn